-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Giữ vững thương hiệu mận Tam hoa Bắc Hà
11/05/2020
LCĐT - Cách đây nửa tháng, thông tin về việc bán những trái mận Tam hoa - đặc sản nổi tiếng ở vùng cao Bắc Hà - đã ngập tràn trên các trang mạng xã hội và xuất hiện ở những xe hàng rong, sạp hàng hoa quả tại một số chợ. Nhiều người không khỏi thắc mắc liệu đây có phải là nông sản chính hiệu của Bắc Hà hay chỉ là sản phẩm mượn tên để tranh thủ kiếm lời?
Thời điểm này, những vườn mận ở Na Hối (xã trồng nhiều mận ở vùng cao Bắc Hà) vẫn chưa đến kỳ thu hoạch. Những quả mận vẫn trong kỳ phát triển, xanh tròn trên cây. Theo những người trồng mận ở địa phương, họ mới chỉ hái tỉa những quả chín sớm để bán, tuy nhiên số lượng không nhiều và mỗi ngày chỉ một vài kg. Vụ thu hoạch mận thường bắt đầu từ nửa cuối tháng 5 đến khoảng đầu tháng 6.
Mận Tam hoa Bắc Hà tại vườn hiện vẫn còn xanh, chưa thể thu hái..
Gia đình bà Lê Thị Huê, thôn Na Áng B, xã Na Hối đã gắn bó với cây mận Tam hoa hai chục năm. Dẫn chúng tôi đi thăm vườn mận xanh tốt, bà Huê bảo, 100 gốc mận của gia đình tạo nguồn thu ổn định mỗi năm vì giá bán mận khá cao. Những năm trước, vườn mận của gia đình đông vui, tất bật vào khoảng giữa tháng 5 đến đầu tháng 6 - thời gian diễn ra Giải đua ngựa truyền thống huyện Bắc Hà. Thời điểm này, ngoài việc thu hái mận để bán, vườn mận còn mở cửa đón khách tới tham quan, chụp ảnh. Tuy nhiên, cũng như nhiều người dân gắn bó lâu năm với cây mận Tam hoa, bà Huê lo lắng khi nhiều người tranh thủ kiếm lời từ việc “nhái” loại quả này, ảnh hưởng tới thương hiệu mận của địa phương.
Ông Trần Đắc Hà, Phó Chủ tịch UBND xã Na Hối cho biết: Mận Tam hoa là một trong những cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế của địa phương. Hiện trên địa bàn xã có khoảng 210 ha, trong đó 180 ha đang cho thu hoạch. Trung bình 1 ha mận có giá trị thu hoạch khoảng 80 - 150 triệu đồng. Nhiều hộ đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu nhờ loại cây này.
Xã Na Hối đang thực hiện nhiều biện pháp để duy trì và phát triển cây mận Tam hoa, trong đó có biện pháp trồng và chăm sóc theo quy trình VietGAP.
Theo kinh nghiệm của những người trồng mận Tam hoa lâu năm, nhiều tư thương tranh thủ đưa những sản phẩm từ nơi khác về và “mượn tên” mận Tam hoa Bắc Hà để bán ra thị trường. Trong khi đó, do trồng ở khu vực cao, khí hậu lạnh nên cây mận Tam hoa Bắc Hà thường chín muộn hơn so với mận ở những nơi khác gần 1 tháng. So sánh giữa quả mận Tam hoa Bắc Hà với mận “mượn tên” trên thị trường thì mận Tam hoa “xịn” có lớp phấn trắng phủ dày hơn, khi ăn có vị ngọt và giòn hơn.
Giá mận Tam hoa đầu mùa thường đắt hơn khi vào chính vụ, dao động ở mức 80 - 100 nghìn đồng/kg. Khảo giá quả mận được nhiều người rao bán trên mạng xã hội và một số điểm bán trên địa bàn thành phố Lào Cai, chúng tôi ghi nhận giá bán thường ở mức 55 - 90 nghìn đồng/kg tùy kích thước quả, tương đối cao và sát với giá mận Tam hoa chính hiệu.
Chị Lê Hải Quỳnh, ở phường Lào Cai (thành phố Lào Cai) cho biết: Được bạn giới thiệu trên trang mạng xã hội nên tôi đặt mua dù không biết có phải mận Tam hoa Bắc Hà hay từ nơi khác chuyển về. Do đầu mùa, quả mận chưa chín hẳn và không biết cách phân biệt nên tôi chấp nhận mua giá cao để thưởng thức.
Mận Tam hoa Bắc Hà là giống mận địa phương, phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của vùng cao. Cây trồng này phát triển tốt và trở thành nguồn thu nhập chính của nhiều gia đình. Huyện Bắc Hà đã đưa loại cây này vào định hướng phát triển kinh tế nông nghiệp trong nhiều năm gần đây. Trên địa bàn huyện hiện có 534 ha mận Tam hoa, tập trung ở các xã: Na Hối, Tà Chải, Bản Phố, Thải Giàng Phố… Năm nay, thời điểm cây mận ra hoa có mưa nhiều đã ảnh hưởng tới việc đậu quả. Dự kiến sản lượng quả năm nay thấp hơn năm ngoái, ở mức 2.800 tấn (năm 2019 là 4.000 tấn).
Tiểu thương bán mận tại thị trấn Bắc Hà.
Ông Nguyễn Xuân Giang, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bắc Hà cho biết: Sau nhiều năm cố gắng gây dựng và phát triển, sản phẩm quả mận Tam hoa của Bắc Hà đã được Cục Sở hữu trí tuệ chứng nhận nhãn hiệu tập thể. Huyện sẽ tiếp tục xây dựng để đưa sản phẩm quả mận Tam hoa trở thành sản phẩm OCOP của huyện, tạo chỗ đứng vững chắc cho thương hiệu nông sản này trên thị trường.
Tuy nhiên, cũng như một số loại nông sản đặc hữu khác, vài năm gần đây, nhiều tư thương đã lợi dụng thương hiệu mận Tam hoa Bắc Hà để trà trộn các loại mận đến từ nơi khác nhằm trục lợi. Điều này khiến nông dân và ngành chức năng của huyện Bắc Hà lo lắng. Trước tình trạng này, ngành nông nghiệp huyện và chính quyền các xã tích cực tuyên truyền để người dân không chạy theo lợi ích kinh tế trước mắt mà đánh mất thương hiệu nông sản của địa phương. Vụ thu hoạch mận năm 2019, một số gian hàng bán mận Tam hoa của huyện Bắc Hà được “đề biển” để người dân, du khách biết và phân biệt với mận những nơi khác.
Trong khi chờ những giải pháp mạnh tay hơn nữa để quản lý và bảo vệ thương hiệu của ngành chức năng, người tiêu dùng cũng cần tỉnh táo, cẩn trọng để nhận biết các sản phẩm nông sản bản địa, tránh bị tư thương bán hàng dởm trục lợi, qua đó cũng góp phần giữ vững thương hiệu mận Tam hoa của vùng “cao nguyên trắng”.
QUỲNH TRANG - KIM THOA